Tin nổi bật

Tin hoạt động của UBND

Bạn sẽ hiểu rõ hơn về 2019- nCoV khi đọc những câu hỏi và trả lời dưới đây
uckhoedoisong.vn - Theo thông báo mới cập nhật của Tổ chức y tế thế giới WHO, tính đến ngày 29/01/2020, thế giới đã ghi nhận 6061 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 132 trường hợp tử vong đều ở Trung Quốc.

Nhiều người rất băn khoăn thắc mắc về 2019 - nCoV,  WHO tại Việt Nam  và Bộ Y tế Việt Nam đã cung cấp những câu thắc mắc những câu hỏi liên quan đến 2019 - nCoV. WHO và Bộ Y tế cũng khuyến cáonhững việc mà bạn có thể thực hiện để tự bảo vệ mình và người thân.

nCoV LÀ GÌ?

Người bị nhiễm nCoV có nghiêm trọng không? Các triệu chứng của bệnh là gì?

Trả lời:Thông tin hiện nay cho thấy nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ và như vậy rất có thể sẽ có nhiều ca bệnh bị bỏ sót vì mọi người lầm tưởng chỉ là cảm lạnh hay cúm mùa thông thường, tự khỏi và không đến khám tại cơ sở y tế. Tuy nhiên vi rút corona mới này cũng có thể gây bệnh nặng và dẫn đến tử vong. Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy phần lớn những trường hợp tử vong đều có những bệnh mãn tính và có thể đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều chưa được biết về loại vi rút mới này và WHO đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch.

Tôi hiểu nCoV là một loại vi rút Corona. Tôi cảm thấy bối rối khi nghe những thông tin về vi rút Corona. Chúng từ đâu đến?

Trả lời: Vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nặng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Một loại vi rút Corona mới, chẳng hạn như 2019-nCoV, là một chủng mới mà trước đây chưa thấy ở người.

Các loại vi rút Corona gây bệnh lây truyền từ động vật sang người, nghĩa là nó có thể lây lan từ động vật sang người. Các cuộc điều tra trước đây nghi ngờ rằng SARS-CoV được truyền từ dơi sang cầy hương rồi sang người, và MERS-CoV truyền từ lạc đà một bướu sang người. Một số vi rút corona được biết đến lưu hành ở động vật nhưng chưa gây bệnh ở người.

nCoV có giống với vi rút MERS-CoV hoặc SARS không?

Trả lời: Không. Coronavirus là một họ virus lớn, một số virus gây bệnh ở người và virus lây truyền giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. 2019-nCoV mới xuất hiện gần đây không giống với coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Hiện nay, những cuộc điều tra đang diễn ra để tìm hiểu thêm.

Cơ chế nCoV lây lan như thế nào?

Trả lời: Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Thú cưng có lan truyền virus nCoV không?

Trả lời: Đến bây giờ, chưa có bằng chứng các thú cưng nuôi trong nhà (như chó, mèo...) nhiễm virus corona nCoV 2019.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên rửa tay với xà phòng và nước chảy sau khi tiếp xúc với các loại vật nuôi này. Bỏi vì, đó là cách bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn như E.Coli, Samonella thường lây từ vật nuôi sang người.

WHO KHUYẾN CÁO người dân mọi lứa tuổi thực hiện các hành động bảo vệ bản thân trước nCoV, như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh đường hô hấp...

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH
Làm thế nào giúp tôi có thể bảo vệ bản thân, giảm nguy cơ lây nhiễm


Trả lời: Cần giữ tay và đường hô hấp sạch sẽ. Khi chúng ta đang bước vào dịp lễ hội, du lịch cuối năm, bao gồm cả Tết, chúng tôi nhắc nhở mọi người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sau.

· Rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc chà (xoa) tay bằng cồn khô;
· Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy, ống tay áo hoặc lấy khuỷu tay che khi ho hoặc hắt hơi;
· Tránh tiếp xúc gần mà không có mặc đồ bảo hộ với bất kỳ ai có các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống như cúm; đi khám bệnh nếu bạn bị sốt, ho và khó thở;

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Những khuyến cáo nào khi tôi có lịch trình đi lại, du lịch?

Trả lời:

1. Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở
- Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên. 
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho. 
- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng
3. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách
- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.
- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.
- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm
- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế
5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng
- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

Những người mua hàng ở chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giữ sức khỏe:

· Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật
· Tránh sờ vào mắt, mũi hoặc miệng
· Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh và thịt hư
· Tránh tiếp xúc với động vật thả rông, rác và dịch thải trong chợ

Những người làm việc trong chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để giữ sức khỏe:

· Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật
· Khử trùng dụng cụ và chỗ làm ít nhất một lần một ngày
· Mặc áo choàng, đeo găng tay và tấm che mặt khi xử lý động vật và các sản phẩm động vật tươi sống
· Bỏ quần áo bảo hộ sau khi làm việc, giặt hàng ngày và để lại nơi làm việc
· Không để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với quần áo làm việc và giày dép bẩn

Tôi có thể liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào?

Trả lời: Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 19003228.
Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

 

Rửa tay bằng xà phòng biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh

THÔNG TIN VỀ BỆNH BẠN CẦN BIẾT

Làm thế nào để bạn kiểm tra một người có nhiễm 2019-nCoV hay không?

Trả lời: Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các sở y tế nên làm gì?

Trả lời: Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc.

WHO đang làm gì?

WHO có một lịch sử lâu năm hỗ trợ các quốc gia trong việc phòng chống và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm các dịch bệnh mới như cúm A(H7N9), A(H5N1) và SARS.

WHO sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các quốc gia và hỗ trợ những nội dung cần thiết để có thể hiểu rõ hơn về loại vi rút mới này, cũng như việc giám sát, phát hiện các ca bệnh và giúp ngăn ngừa lây nhiễm.

WHO đã triệu tập họp Ủy ban Khẩn cấp đối với 2019-nCoV. Việc này nghĩa là thế nào?

Ủy ban Khẩn cấp là một cuộc họp với các chuyên gia quốc tế nhằm cung cấp tư vấn chuyên môn cho Tổng Giám đốc của WHO để quyết định một sự kiện y tế công cộng có đủ điều kiện công bố là một “Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu” (PHEIC) hay không.

Thuật ngữ Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC) được định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) (2005) là một sự kiện được xác định khi:

i. Gây ra mối nguy cơ về y tế công cộng cho các quốc gia khác thông qua việc lây lan dịch bệnh quốc tế; và
ii. Cần sự đáp ứng quốc tế có điều phối

Định nghĩa này phản ánh một tình huống: nghiêm trọng, bất thường hoặc ngoài dự đoán; mang theo những ảnh hưởng về y tế cộng cộng ra bên ngoài biên giới của quốc gia bị ảnh hưởng; và có thể đòi hỏi các hành động của quốc tế.

Tổng Giám đốc đưa ra quyết định cuối cùng về Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu và các Khuyến nghị Tạm thời cho sự kiện đó, dựa trên tham vấn của Ủy ban Khẩn cấp, thông tin do các nhà chức trách quốc gia cung cấp, các chuyên gia khoa học và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người, nguy cơ lây lan quốc tế của bệnh và nguy cơ ảnh hưởng tới việc đi lại quốc tế.

Từ trước tới nay đã có 5 sự kiện PHEIC được công bố kể từ năm 2006 khi Điều lệ Y tế Quốc tế - IHR(2005) có hiệu lực, bao gồm: đại dịch cúm H1N1 (2009), Bại liệt (2014), Ebola tại Tây Phi (2014), Zika (2016), và Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô (2019).

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về dịch bệnh do vi rút corona mới 2019 tại Trung Quốc và mộ số nước khác. Sau hai ngày họp, các thành viên của Ủy ban kết luận sự kiện này chưa đáp ứng điều kiện là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

Ngày 27/1/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bệnh nCoV rất cao ở Trung Quốc (ở cấp quốc gia) và nguy cơ cao ở cấp khu vực và toàn cầu.

H.Nguyên (Theo World Health Organization Viet Nam)

Các tin liên quan: